Bệnh Gout gây đau đớn cho các khớp xương. Một số thông tin trên Healthcentral sẽ cung cấp thêm những kiến thức bổ ích giúp phòng tránh căn bệnh này.
Những điều nên biết về bệnh gout.
1/Sự tích tụ của acid uric.
Axit uric bình thường được hòa tan trong máu và đi qua thận rồi ra bằng đường tiểu. Tuy nhiên, nếu có sự gia tăng acid uric hoặc thận không thể loại bỏ nó khỏi cơ thể sẽ dẫn đến sự tích tụ. Khi các tinh thể acid uric dư thừa tích tụ trong các khớp sẽ gây đau và viêm.
2/Gout ảnh hưởng đến ngón chân cái.
Biểu hiện ban đầu của gout là gây đau các khớp xương ở ngón chân cái, đồng thời các khớp khác cũng có thể bị ảnh hưởng. Bệnh thường gây đau khớp chân, mắt cá chân, gót chân, đầu gối, cổ tay, ngón tay và khuỷu tay. Acid uric cũng có thể xuất hiện như là cục u dưới da.
3/Các cuộc tấn công cấp tính.
Bệnh gout có thể gây ra những cơn đau đột ngột, sưng, tấy đỏ ở khớp. Các cuộc tấn công thường xảy ra vào ban đêm và có thể được kích hoạt khi bị căng thẳng. Các cuộc tấn công thường sẽ giảm dần trong 3 đến 10 ngày mà không cần điều trị.
4/Chế độ ăn uống.
Cùng với lịch sử gia đình, chế độ ăn uống có tác động trực tiếp đến việc gây ra bệnh gout. Các vấn đề về cân nặng và thói quen tiêu thụ rượu quá mức được xem là nguyên nhân làm trầm trọng thêm căn bệnh này.
Ăn quá nhiều thực phẩm giàu purin (khi phân hủy sẽ thành acid uric) có thể gây ra những rối loạn. Các thực phẩm được xem là kẻ thù của bệnh gout thường chứa nhiều chất đạm, có thể kể đến là: tim, gan, thận, cá cơm, đậu Hà Lan, thịt, nấm, cá thu, cá mòi và cá trích.
5/Lối sống lành mạnh giúp kiểm soát bệnh.
NSAIDs, corticosteroids và colchicine đều dùng để điều trị các cơn bùng phát cấp tính của bệnh gout. Tuy nhiên, có thể ngăn chặn những đợt tấn công này bằng cách thay đổi lối sống theo phương châm lành mạnh nhất có thể.
Tập thể dục thường xuyên và duy trì một trọng lượng cơ thể khỏe mạnh là điều vô cùng cần thiết để đối phó căn bệnh này.

Bệnh gout và chế độ ăn cho người bệnh
Chế độ ăn uống của người tăng acid uric máu và bệnh gout:

Không nên dùng
– Không uống nhiều rượu mạnh.
– Không ăn các thức ăn chứa nhiều purine như: phủ tạng động vật: tim, gan, thận, lá lách, óc…, hột vịt, gà lộn, trứng cá, cá trích, cá đối, cá mòi.
– Không ăn mỡ động vật, không ăn đường.
– Hạn chế protid (<1g protein/kg/ ngày tương đương < 200g thịt nạc mỗi ngày).
– Không ăn nhiều (vừa phải, điều độ) đồ biển (tôm, cua…).
– Không ăn nhiều (vừa phải, điều độ) các loại đậu hạt, măng tây.
– Không ăn nhiều (vừa phải, điều độ) chocolate, cacao, trà, cà phê.
Xem thêm 18 thực phẩm gây ra bệnh gout.
Nên Dùng nhiều:
– Các loại rau xanh, trái cây tươi.
– Uống nhiều nước, nước khoáng có bicarbonate, nước sắc lá xakê.
– Các loại ngũ cốc.
– Sữa, trứng.- Chế độ sinh hoạt
– Chống béo phì.
– Tăng cường vận động.
– Tránh stress, tránh gắng sức, tránh lạnh đột ngột…
Chế độ ăn uống có thay thế được thuốc không?
Đối với bệnh Gout:
Trong đa số trường hợp, chế độ ăn uống góp phần điều trị cho bệnh nhân Gout và các bệnh kèm theo (cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu…) chứ không thể thay được thuốc. Thực hiện tốt chế độ ăn uống có thể giảm bớt số lượng thuốc, số loại thuốc cần dùng, giảm bớt các hậu quả xấu của bệnh.
Chế độ ăn uống được sử dụng để thay thế thuốc trong một số ít trường hợp, người bệnh không dùng được các thuốc làm hạ acid uric (dị ứng thuốc, suy thận, suy gan…).
Đối với tình trạng tăng acid uric máu
Chế độ ăn uống và chế độ sinh hoạt sẽ giúp phòng ngừa bệnh Gout, làm giảm số người trở thành bệnh nhân Gout.
Như vậy, chế độ ăn uống không thể thay thế được các thuốc điều trị bệnh Gout, nhưng có một vai trò quan trọng trong điều trị, góp phần làm bệnh Gout và các bệnh kèm theo dễ kiểm soát hơn, giảm bớt liều thuốc phải dùng, giảm bớt số thuốc phải dùng. Chế độ ăn uống càng quan trọng hơn khi người bệnh bị dị ứng với các thuốc làm giảm acid uric máu, hoặc vì một lý do nào đó không sử dụng được các thuốc này. Chế độ ăn uống còn là biện pháp chính, không thể thiếu được trong việc phòng ngừa bệnh Gout cho các đối tượng có tăng acid uric máu đơn thuần.
Các bệnh rối loạn chuyển hóa ở người thường đi kèm với nhau, ngày càng gia tăng và đang là một hiểm họa lớn cho loài người trong thế kỷ 21. Hội chứng chuyển hóa kinh điển gồm 4 biểu hiện: béo phì, cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu. Nay thêm một biển hiện thứ 5 là tăng acid uric máu, nói cách khách, các bệnh nhân béo phì, cao huyết áp, bệnh mạch vành… rất dễ bị gout và ngược lại, bệnh nhân gout thường mắc bệnh các bệnh béo phì, xơ mỡ động mạch, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh mạch vành.